Trang chủ Tin tức

“Trade Marketing ngành Dược” - Chìa khoá gắn kết công ty Dược và nhà thuốc, hợp tác win-win

Chia sẻ :

Ngày 12/12/2021 tại Hà Nội, lần đầu tiên diễn ra sự kiện Hội thảo trực tuyến “Trade Marketing ngành Dược, chuyển dịch chiến lược win - win”, quy tụ 643 khách mời là các Founder, CEO, CMO công ty Dược trong nước và các hãng nước ngoài, các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược, cùng hàng trăm dược sĩ chủ nhà thuốc.

Sự kiện được phối hợp tổ chức bởi Công ty CP Tư vấn chiến lược Pharmaco - Agency Marketing Dược thực chiến, Học viện Marketing & Sales Y Dược MPG, Công ty CP DMSpro, Bonbon Shop, Microsoft Teams và Techdata.

Hội thảo diễn ra sôi nổi suốt 4 tiếng đồng hồ, đã mang đến cho khách mời góc nhìn chi tiết về các hoạt động tiếp thị tại điểm bán dưới 2 quan điểm tưởng như đối lập, từ đó tìm ra chiến lược “win - win”, mang lại lợi ích cho cả 3 bên, “Nhãn hàng - Nhà thuốc - Người tiêu dùng”, với sự chia sẻ từ 5 diễn giả trong 3 phiên tham luận và 1 phiên thảo luận.

Hội thảo trực tuyến “Trade Marketing ngành Dược, chuyển dịch chiến lược win - win”

Trade Marketing không phải chủ đề mới, nhưng vẫn là một mảnh đất đầy tiềm năng trong ngành Dược, khi mà sự lớn mạnh của các chuỗi nhà thuốc hiện đại mới chỉ mở màn cho thời kỳ mới của kênh phân phối Dược ngày càng chuyên nghiệp.

Trade Marketing là giao thoa giữa 3 vòng tròn lợi ích, thương hiệu, nhà thuốc và người tiêu dùng tại điểm bán. Do đó, bài toán chuyển dịch chiến lược trong ngành Dược không chỉ dừng lại ở việc đa dạng hơn các hình thức triển khai, ứng dụng công nghệ quản trị và chuyển đổi số các hoạt động Trade Marketing để thích nghi với giai đoạn dịch bệnh, mà còn phải thay đổi tư duy của chính nhãn hàng và đào tạo nhà thuốc để cùng nhau chiến thắng trong trận chiến chinh phục người tiêu dùng.

Mở đầu Hội thảo, với phiên tham luận về chủ đề “Chuyển dịch tư duy Trade Marketing, nhãn hàng tăng doanh thu, nhà thuốc tăng lợi nhuận”, bà Lê Phương Dung - Founder, CEO MPG Academy, MPG PharmacyPharmaco Agency đã đưa ra những chia sẻ kỹ hơn về vấn đề này:

"Trong hành trình trải nghiệm khách hàng, nhà thuốc là một trong những điểm chạm quan trọng, mang tính quyết định hành vi mua hàng của người tiêu dùng. Đó là lý do vì sao Trade Marketing là 1 trong 3 thành tố quan trọng trong một chiến dịch truyền thông tích hợp IMC của bất cứ nhãn hàng nào, bên cạnh hoạt động quảng cáo và PR truyền thông. Trade Marketing không chỉ là sợi dây liên kết, mà còn đem lại lợi ích cho cả nhãn hàng và nhà thuốc.

Đối với nhãn hàng, lợi ích đầu tiên là tăng doanh thu từ việc kích thích nhà thuốc nhập hàng và kích thích người tiêu dùng mua hàng tại điểm bán. Thứ hai là xây dựng được thương hiệu thông qua việc tăng điểm chạm khi nhất quán được thông điệp với các kênh truyền thông khác. Thứ ba là tăng gắn kết nhà thuốc, tạo niềm tin, động lực để các Dược sĩ đẩy mạnh tư vấn nhiều sản phẩm của doanh nghiệp. Và nếu các công ty Dược kết hợp được O2O - Online to Offline thì sẽ tận dụng được nguồn traffic lớn tại nhà thuốc để kéo khách hàng từ điểm bán lên kênh Digital, biến họ trở thành khách hàng trung thành của mình.

Còn với nhà thuốc, có rất nhiều cách để tối ưu được lợi ích của Trade Marketing. Đầu tiên là việc tăng nguồn thu và lợi nhuận từ những hoạt động chi phí trả thưởng, quyền lợi khách hàng thân thiết, chương trình tích lũy trả sau. Thứ hai là tăng uy tín thương hiệu khi nhà thuốc kết hợp cùng nhãn hàng đào tạo đội ngũ Dược sĩ có kiến thức chuyên sâu, từ đó nâng cao chất lượng tư vấn và giữ chân được khách hàng trung thành. Thứ ba là tăng gắn kết người tiêu dùng thông qua việc tận dụng nguồn lực của nhãn hàng để chăm sóc khách hàng tại điểm bán, như triển khai phát mẫu, tặng cẩm nang tư vấn sức khỏe, quà tặng dịp đặc biệt”.

“Để khắc phục rào cản khi làm Trade Marketing và tìm được tiếng nói chung thì cần có sự chuyển dịch tư duy trong cả nhãn hàng và nhà thuốc. Đối với nhãn hàng, doanh nghiệp nên xây dựng chương trình Trade Marketing dài hạn, tốt nhất là theo năm để nhà thuốc có cái nhìn đường dài. Thứ hai là nên tôn trọng cam kết, trả thưởng đúng hạn và kết nối nhà thuốc liên tục, đa dạng hoạt động. Đặc biệt là cần đào tạo đội ngũ Sales team hiểu được ý nghĩa và tuân thủ một cách tự nguyện. Đồng thời nên ứng dụng công nghệ để hỗ trợ quản lý nhân sự và nên xây dựng chương trình theo xu hướng và hành vi của khách hàng. Với nhà thuốc, đầu tiên cần quy hoạch nhiều khu vực và chủ động định giá từng vị trí trưng bày. Thứ hai là nên tôn trọng cam kết và gắn bó dài hạn, hợp tác thiện chí và tận dụng tối đa lợi ích Trade Marketing mà nhãn hàng đưa ra.” - Bà Lê Phương Dung nhấn mạnh

Là một trong số những diễn giả gạo cội, trong phiên tham luận thứ hai với chủ đề “Trade Marketing Dược phẩm, thách thức và chuyển đổi số năm 2022”, ông Nguyễn Thành Danh - Managing Director, Besins HealthCare Vietnam cho biết: "Tại Việt Nam, hành trình tương tác mua hàng trong Dược phẩm - y tế đang có sự chuyển dịch về hướng người sử dụng nhiều hơn, đặc biệt trong mùa dịch, sự thay đổi theo hướng Digital O20 và trải nghiệm đa kênh càng trở nên rõ nét. Người tiêu dùng hiểu về thuốc và chăm sóc sức khỏe ngày càng cao hơn và chủ động hơn. Tuy nhiên, tương tác tư vấn tại điểm bán lẻ pharmacy (POS) để tạo ra trải nghiệm tích cực cho khách hàng chưa được coi trọng. Khi triển khai Trade Marketing, thành công chỉ đến từ sự hợp tác win - win giữa nhà thuốc và nhãn hàng, đặc biệt là Trade Promotion như giảm giá, tích điểm, tặng voucher, chương trình khách hàng trung thành, chương trình khách hàng VIP, hội nghị khách hàng… Ngoài ra còn có Trade deals, POSM, Merchandising, Display…”

Tại hội thảo, sự xuất hiện của ông Peter Phạm - Founder, CEO DMSpro là một mảnh ghép hoàn toàn mới, khi không trực tiếp làm việc tại các công ty Dược nhưng có tới 19 năm kinh nghiệm tư vấn, cung cấp các giải pháp quản trị hệ thống phân phối cho nhiều Doanh nghiệp Dược lớn ở Việt Nam như Dược Hậu Giang, Bidiphar...

Tại phiên tham luận thứ ba, với chủ đề “Ứng dụng công nghệ, tối ưu Trade Marketing tại điểm bán”, ông Peter Phạm nhấn mạnh: “Với sự hỗ trợ của AI, giải pháp visibilityPRO do DMSpro phát triển sẽ giúp quá trình đánh giá POSM nhanh, chính xác hơn, tối ưu hóa được các công đoạn thủ công, tăng năng suất và tần suất đánh giá. Đồng thời giảm thiểu ý kiến chủ quan, sai sót của con người, từ đó đưa ra được đánh giá và trả thưởng phù hợp”.

Tại sự kiện ông Peter Phạm cũng giới thiệu nền tảng bonbon shop giúp kết nối trực tiếp các nhãn hàng với nhà thuốc, giảm bớt khâu trung gian để đẩy mạnh cơ hội hợp tác win-win giữa 2 bên trong cả hoạt động kinh doanh và triển khai các hoạt động Trade Marketing.

Trade Marketing là cánh tay nối dài của Marketing, đóng vai trò quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu nhãn hàng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều công ty Dược vẫn chưa thực sự hiểu sâu sắc về Trade Marketing và lúng túng khi tìm lời giải cho một loạt các câu hỏi xoay quanh chủ đề này. Tất cả những thắc mắc đến từ khách mời đã được 5 diễn giả giải đáp chi tiết trong phiên thảo luận sôi nổi, với 2 góc nhìn mới đến từ bà Biên Lê - CEO Dược phẩm Đông Tây và ông Nguyễn Trung Dũng - CEO Nature's Way Vietnam, CEO Nhà thuốc Phương Chính - “Ngọn gió” tiên phong trong việc hiện đại hóa nhà thuốc, ứng dụng linh hoạt Trade Marketing để đưa Nature's Way trở thành một tên tuổi đình đám trong 2 năm gần đây.

Phiên thảo luận tại Hội thảo đã diễn ra rất sôi nổi với sự chia sẻ từ 5 diễn giả

Hội thảo trực tuyến “Trade Marketing ngành Dược, chuyển dịch chiến lược win - win” mang tới những thông tin giá trị về Trade Marketing ngành Dược, thực trạng, cơ hội đang chờ đón các Doanh nghiệp. Đồng thời đưa ra giải pháp thực tiễn, độc đáo, ứng dụng công cụ nhằm quản trị hiệu quả hoạt động Trade Marketing, góp phần vào sự phát triển bền vững và lành mạnh của toàn ngành Dược.

Đặc biệt, BTC Hội thảo đã dành toàn bộ tiền vé thu được, 31.609.200 VNĐ để mua trang thiết bị ủng hộ nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn ra căng thẳng như hiện nay.

---------------------------------------------

View: 2722   Back    Up to top   

Tin tức cũ liên quan:

Tin tức khác :